Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Bình Giảng Thơ Lu Hà Do Thu Hà Diễn Ngâm Phần 39



Hồ Trường là một thi phẩm của ông Nguyễn Bá Trác viết vào đầu thế kỷ 20. Ông từng theo Cụ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du và hưởng ứng phong trào Đông Kinh của Cụ Phan Châu Trinh. Từng làm quan dưới triều vua nhà Nguyễn.
Ông là chủ bút phần Hán Văn của tờ Nam Phong do quan đại thần Phạm Quỳnh sáng lập.
Sau thôi làm ở báo Nam Phong, ông vào Huế làm Tá lý Bộ Học và lần lượt trải qua các chức vụ: Tuần vũ
Quảng Ngãi, Thị lang Bộ Binh, Tổng đốc Thanh Hóa, Tổng đốc Bình Định.

Hồ Trường  là chiếc bình nậm rượụ ngày xưa giống như qủa bầu khô rút ruột.

 Hồ Trường đúng ra gọi là Hồ Thương sáng tác trong bối cảnh tha phương nơi đất khách quê người, gửi tâm sự với tấm lòng lúc nào cũng đau đáu hướng về cố hương. Tác giả mượn chén rượu tiêu sầu để gởi tấm lòng mình trong nỗi buồn vong quốc.
Theo tôi thì Hồ Trường chưa hẳn là một bài thơ  hoàn chỉnh, mà là một ca khúc viết theo lối văn ngẫu biền từa tựa theo thể hành. Thể Hành như là thể thơ chia ly, ly tao, ly biệt cũng là lối thơ nói, người nói với người, hoặc người nói với rượu. Loại thơ này thường rất dài. Tôi đã từng cảm dịch các bài thơ theo thể hành như: Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, Hành Phương Nam của Nguyễn Bính, Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên. Bây giờ là Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác.
Phần chữ Hán tôi xin miễn trích dẫn đề cập với tiêu đề: “Nam Phương Ca Khúc“ . Tôi chỉ xin trích dẫn chủ yếu bản dịch của ông Nguyễn Bá Trác với tên gọi là:“ Hồ Trường“

“Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương
Trời nam nghìn dặm thẳm
Non nước một mầu sương
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ trường! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước biển Đông chẳy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan
Rót về Bắc Phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say
Lòng ta ta biết, chí ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây

Phần ca khúc của Nguyễn Bá Trác xin miễn bình giảng mà tập trung vào việc giải nghĩa các câu thơ của hai bài lục bát và song thất lục bát của tôi thôi. 


Ly Rượu Vỡ
Cảm dịch thơ Nguyễn Bá Trạc: Hồ Trường

“Đại trượng phu gan tày trời đất
Óc bùn lầy tất bật tha phương
Nước Nam nghìn dặm cố hương
Một vầng mây trắng tang thương thảm sầu“

Chữ Đại là biểu tượng to nhất, lớn nhất sau là Trung và Tiểu. Trượng là cao lớn và Phu là đàn ông. Gan tày trời đất hay tạm dùng hình ảnh gan cóc tía không sợ trời đất. Dù nát óc pha với bùn lầy cũng không giảm ý chí nhiệt thành, trung thành với tổ quốc, một khi buộc phải lưu lạc tha phương.
Nước Nam là Nam Bang, Nam Việt và bây giờ là Việt Nam.

“Chí chưa thành mà đầu đã bạc
Tóc xanh buồn thân xác héo tàn
Tà dương tuổi trẻ non ngàn
Nghiêng bầu dốc cạn chứa chan đôi dòng“

Ngày xưa theo giáo huấn nhà nho của Khổng Phu Tử là: Người quân tử sinh ra có chí nam nhi phải là tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ. Phải biết nuôi chí lớn lập thân và dựng nước, giúp đời, phò tá minh quân theo kiểu: Trọng nghĩa khinh tài cứu khổn phò nguy. Anh chàng Tống Giang chỉ là một viên thư lại quèn người huyện Vận Thành tỉnh Sơn Đông mà đi tới đâu các hảo hán giang hồ phải kính nể lạy anh ta như tế sao.

Anh ta từng say rượu đề một bài thơ trên lầu Tỳ Bà ơ bến Tầm Dương:

Tây Giang Nguyệt của tác giả vô danh đề trên vách:

“Từ trau giồi kinh sử
Lớn lên cũng có mưu mô
Khác nào cọp mạnh dựa nổng gò
Giấu nhẹm vút nanh mà nhịn nhục
Rủi lại mặt má thích tự
Ra thân phát phối Giang châu
Mai sau nếu trả oán thù
Giòng nước Tầm Giang máu đỏ“

Tống Giang nối tiếp trên vách:

“Nghĩa khí ghi lòng chịu án đồ
Dạ thì Đông địa, thịt thì Ngô
Sau dầu đặng toại thành vân chí
Chê bấy Huỳnh Sào chẳng trượng phu“

Nếu ta chuyển dịch thuần Việt( chữ Nôm) theo đường thi hay gọi là thất ngôn bát cú là :

“Từ nhỏ đã từ kinh sử làu
Lớn lên rắp những mưu sâu
Cọp còn nấp bóng trong rừng vắng
Dấu vuốt nhe nanh chịu cơ cầu
Chả may chữ thích nhơ trên mặt
Tấm thân đày ải đất Giang Châu
Ngày nào rửa được oan thù ấy
Thì nước Tầm Dương máu đỏ ngầu
Một mai thỏa cánh bằng tung gió
Khinh cả Hoàng Sào chửa trượng phu“

Cái chí lớn lắm muốn làm một Hoàng Sào, Tống Giang, Hán Cao Tổ, Gia Cát Lượng, Lưu Bá Ôn, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ v. v… mà chưa đâu vào đâu thì đã bạc đầu rồi. Tóc xanh héo úa thành muối tiêu, thành trâu gìa da cóc mặt đồi mồi, nứt nẻ chân chim nên buồn lắm đành lấy chén rượu giải sầu.
Tà dương là mặt trời lúc sắp lặn. Cả thời tuổi trẻ gửi cả ở non ngàn bạn với trăng thu . Thân phận ta bây giờ  chậm chạp uể oải mắt mờ, lưng còng loạng choạng với hai ống điếu, đít tóp bụng mỡ bạc nhạc cầm chén rượu mà ứa hai dòng lệ.

“Hỡi hồ trường long đong kiếp phận
Rót về đâu lận đận phương đông
Phương tây đồng cỏ mênh mông
Lạc miền băng gía bụi hồng mờ xa“

Hồ trường đúng ra là hồ thương. Hồ là cái bình, thương là cái chén uống rượu giống như cái tước, làm bằng sừng.  “thương” là chén rót đầy rượu, khi chưa rót rượu vào thì gọi là “chí”;
Khi mời rượu người khác một cách kính trọng gọi là “thương”.
Hoặc khi tự uống rượu một mình cũng gọi là “thương”

Các sâu rượu nhà ta hay bên Tàu vẫn hay nói:  “bá tửu bất năng thương”  có nghĩa là nâng ly khó uống một mình. Từ chữ hồ thương nhưng ông Nguyễn Bá Trác gọi chệch ra cho thật Việt là: Hồ Trường, hay Hồ Tràng. Bây giờ ta nên thống nhất cùng gọi là Hồ Trường một thể là hợp lý nhất. Khổ thơ này tả cái khí thế cao ngạo của người quân tử đấng trượng phu mắt nhìn cả năm châu bốn bể, bốn phương tám hướng bao trùm cả trái tinh cầu

“Lại hồ trường sa đà phương bắc
Trận cuồng phong xào xạc hung nô
Ai say ai tỉnh ô hô!
Nam nhi hồ thỉ cơ đồ cỏ cây“

Hung Nô chính là Mông Cổ, vùng Nội Mông bây giờ. Ngày xưa nàng Chiêu Quân cống Hồ chính là nước này , chỉ có sa mạc lạc đà, ngựa phi như gió

„Câu đối họa ngất ngây tửu điếm
Chén ly tao vỗ kiếm tiêu dao
Xót xa khúc nhạc ứa trào
Châu sa chén ngọc nghẹn ngào cố nhân“

Tửu điếm là quán rượu, có gác cao thì gọi là cao lâu. Nhà chứa gái hầu rượu kỹ nữ là lầu xanh, thanh lâu, động mại dâm, kỹ viện. Ở những nơi mà hoạt động mại dâm là bất hợp pháp, nhà thổ thường núp dưới vỏ bọc là các hiệu tẩm quất, quán bar, câu lạc bộ vũ thoát y v.v...

Nhưng ông Nguyễn Bá Trác chắc chỉ vào các quán ruợu, lầu rượu bình thường như kiểu Lầu Hoàng Hạc mà thôi. Lầu nhỏ, quán bé tẹo thì gọi là tửu điếm.

Khổ thơ này là trung tâm điểm của cả bài thơ tả về tâm trạng tráng sĩ uống rượu nhớ nhà, nhớ bạn, nhớ quê hương

“Rồi đập vỡ rung sàn ván gỗ
Gác lầu hoa cổ độ trăng soi
Cuốc kêu thảm thiết giống nòi
Hạc bay trong gió hận đời lẻ loi“

Khổ này nối tiếp ý khổ trên, cuốc kêu hạc bay chỉ nỗi lòng cay đắng sầu thảm lắm khi con hạc già, cuốc gìa ở nơi viễn xứ.

“Hồ trường nữa mặn mòi chảy ngược
Trợn mắt nhìn hừng hực Kinh Kha
Dòng sông Vị Thủy bao la
Quê hương xa lắc nước nhà ta ơi!“

16.3.2017 Lu Hà

Kinh Kha là một tay kiếm khách giang hồ người nuớc Vệ là môn khách của Thái tử Đan nước Yên. Một người rất nổi tiếng vì đã ám sát bất thành Tần Thuỷ Hoàng, tuy thất bại. Nhưng tên tuổi của ông lưu danh ngàn thu.


Hết phần thơ song thất lục bát. Tôi tiếp tục bình giảng thơ lục bát. Những cụm chữ nào , nếu có trùng lập với bài thơ trên xin miễn giải thích lại

Hồ Trường Hận
Cảm hứng khi đọc bài ca Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác

“Hồ trường dốc cạn chén say
Quên bao uẩn ức đắng cay lụy phiền
Oán hờn sầu hận triền miên
Nam nhi hồ thỉ thuyền quyên anh hùng“

Hồ Truợng Hận có nghĩa là rót chén rượu sầu hận. Hận cái gì? Hận cho cả thời trai trẻ từng nuôi chí lớn ích quốc lợi dân kinh bang tế thế, mưu thần lương đống, trụ cột quốc gia mà hóa thành lông bông lang bang ở nước ngoài. Ngoảnh đi ngoảnh lại thì đã xế chiều rồi, đầu xanh nhuốm bạc.

Nam nhi hồ thỉ là ghép lại chí khí nam nhi, tang bồng hồ thỉ.Ta hãy đọc mấy câu thơ của Nguyễn Công Trứ sẽ tự giải nghĩa rất rõ:

“Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái
Cái công danh là cái nợ nần
Nặng nề thay hai chữ "quân thân"
Đạo vi tử, vi thần đâu có nhẹ
Cũng rắp điền viên vui tuế nguyệt
Trót đem thân thế hẹn tang bồng
Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung
Hết bốn chữ "trinh trung báo quốc"
Nghiêng mình những vì dân vì nước
Túi kinh luân từ trước để về sau
Nghìn thu một tiếng công hầu“

Tang là gỗ dâu, bồng là cây cung, thực ra là cỏ bồng. Hồ mới thực là cây cung, thỉ là mũi tên. Biểu thị chí làm tài trai, công danh sự nghiệp, hộ quốc an dân. Thuyền quyên chỉ người thục nữ phái quần thoa khách má hồng phấn son đài các.

“Trượng phu tứ hải bập bùng
Lửa thiêu đồng nội chập chùng biển khơi
Lạc miền băng tuyết rong chơi
Phương Tây xứ lạ chơi vơi cửa rừng“

Trượng phu người đàn ông to lớn nếu được như Từ Hải, Nguyễn Du, Lục Vân Tiên thì càng tốt, còn lùn tịt như anh chàng Tống Giang nhưng khí khái hơn người vẫn coi là kẻ trượng phu. Lu Hà tớ chưa hề khom lưng luồn lọt nịnh hót bợ đỡ xu nịnh ai, chỉ làm thơ tặng đời thôi cũng có thể gọi là kẻ trượng phu. Mấy câu tiếp chỉ sự trầm luân chìm nổi ngụp lặn trong  ngọn sóng 3 đào, sóng bạc đầu của người quân tử.

“Trán nhăn tư lự rưng rưng
Trời Nam xa tít dửng dưng non ngàn
Tỷ Can móc ruột xé gan
Thẹn nghe Chu Vấn khuyên can giúp đời“

Trời Nam ý ám chỉ Nước Việt Nam ta xa cách ngàn trùng.

Tỷ Can là trọng thần nhà Thương. Trụ Vương là ông vua cuối cùng vì nhiều lần Tỷ Can đã can gián và chỉ trích Trụ Vương. Trụ Vương ra lệnh cho Tỷ Can móc tim, lôi ruột,  xé gan vì tò mò rằng tim của ông có bảy lỗ. Tỷ Can được tôn vinh là một trong ba người có đức hạnh thời Thương cùng với Tống Vi Tử Khải và Cơ Tử.
Tỷ Can sau này được phong làm Thần Tài. Trong tiểu thuyết Phong Thần Diễn Nghĩa, Tỷ Can nhiều lần đối đầu với Đát Kỷ và bị Trụ Vương bắt phải móc tim để trị bệnh cho Đát Kỷ. Vì không nghe lời khuyên ngăn của Tỷ Can và qúa say mê nhan sắc nàng Đắc Kỷ tức con cáo chín đuôi mà nhà Thương bị hủy diệt. Nhà Chu lên thay thế quyền lực.

Thời Hán thành Đế có Hòe Lý Lệnh một trọng thần trong hàng Tam Công là Chu Vấn tâu với vua xin giết An Xương Hầu Trương Vũ, vua nổi giận sai chém Chu Vấn. Khi bị bắt lôi đi, Chu Vấn uất ức bám tay vào vặn cột điện, cột cung điện bị gãy, nhơn lúc lộn xộn ấy, Tân Khánh Kỵ giải cứu Chu Vấn. Sau đó Thành Đế biết Chu Vấn xin giết Trương Vũ là vì lòng trung, bèn tha tội.


“Cột rồng nghiêng ngả tả tơi
Tìm đâu tri kỷ trọn lời nước non
Rượu lòng Tư Mã héo hon
Kinh Kha vỗ kiếm chon von đỉnh sầu“

Cột rồng là cái cột lớn trong cung điện nhà vua nghiêng ngả có ý nghĩa quốc suy vong, không còn người tài giỏi ra giúp nước. Còn có câu: “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách.“ Có ý nghĩa khi nước giang san đại họa thì kẻ sĩ giới trí thức phải có trách nhiệm nghĩa vụ gìn giữ bảo vệ.

Tư Mã Tương Như, tự Tràng Khanh người ở Thành Đô đời nhà Hán. Người rất đa tài, văn hay, đàn giỏi. Khi lìa quê lên Trường An để lập công danh, đến con sông đầu làng, Tương Như viết trên cầu một câu: "Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử kiều" . Không ngồi xe cao bốn ngựa, không mặc áo lông khinh cừu, không qua lại cầu này nữa.
Còn Kinh Kha là ai? Tôi đã giải thích rồi.

„Chí trai chưa thỏa bạc đầu
Tầm Dương sóng bạc chân cầu lệ rơi!
Rượu bầu thơ túi muôn nơi
Ngậm ngùi cố quận ai người cùng ta“

Câu này tả tâm trạng kẻ sĩ bạc đầu uống rượu đỏ hoe khóe mắt nhớ về quê huơng.

“Biển Đông muối mặn dương tà
Ngựa hồ gió bắc xót xa não nùng
Cành Nam làm tổ chim cùng
Cáo quay về núi cây rung sương trào“

Ngựa hồ tức giống ngựa đồng cỏ thảo nguyên phía bắc Mông Cổ. Dù được nuôi dưỡng ở đâu khi nghe gió từ phương bắc thổi tới thì nhảy cẫng lên mừng rỡ, hí  ầm vang, nhớ nơi nguồn gốc của mình.
Chim nam tức chim phương nam dù di cư chống rét luôn làm tổ đẻ trứng ở cành cây hướng về phía nam. Cáo cũng có thói quen khi chết quay đầu về núi. Toàn là những hình ảnh biểu tượng, tượng trưng cho nỗi nhớ quê hương, xứ sở.

Đập bàn quắng chén say vào
Trợn trừng quắc mắt nghẹn ngào châu sa
Vỗ tay tửu nhập lời ra
Gió mây gào thét tiếng gà tàn canh!“

19.3.2017 Lu Hà

Chim muông cầm thú còn biết nhớ quê hương tổ quốc, con người không lẽ không bằng cầm thú mới hổ thẹn tức giận đập bàn quắc mắt trợn trừng đôi mắt mồm phì phì bọt rượu mà nước mắt nước mũi tuôn trào. Nghe bài ca Hồ Trường mà vỗ tay hát theo thật là khí thế anh hùng cùng hòa với tiếng gào thét của biển cà gió mây cho tới khi tàn canh, nghe tiếng gà gáy tè té te, dậy đi làng nước ơi, mới thôi.

28.3.2017 Lu Hà




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét