Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

Tôi Đã Hiểu Chuyện (9)


Truyện kể của Lu Hà phần 9

Tuy phải xa ông bà, thím H và các em cùng các bá các dì, anh chị em bên ngoại tôi rất buồn, nhưng tôi thấy về Hà Nội vẫn an toàn hơn. Thằng Uy tức thằng cu giò nó còn rất hận tôi, luôn luôn nuôi chí phục thù theo kiểu Tàu, quân tử trả thù 10 năm cũng chưa muộn. Sự thật tôi có gây thù chuốc oán gì với nó cho cam? Nó đâu đáng mặt quân tử, mà chỉ là loại tiểu nhân nhớ dai, thù vặt.


Cái chuyện ngày xửa ngày xưa còn bé, khi đó nó còn lớn hơn tôi, có thể còn nhiều tuổi hơn tôi. Chính nó thách thức tôi đấu vật với nó, trẻ con chơi với nhau, rồi chẳng may sảy ra tai nạn vì xương cốt nó yếu. Gãy cái chân thì bó bột và nó đã lành lặn.   Nhưng bản tính hẹp hòi cố chấp, khi tôi từ trại trẻ ở thôn Vân Hoàng, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây trở về quê, tôi gặp lại thằng bạn cố tri thời còn để chỏm mặc quần thủng đít là thằng Quỳnh.

Tôi với thằng Quỳnh đang ngồi chơi ở bờ ao, tôi vừa đứng dậy đi lòng vòng ngắm đàn cá lội thì đánh bốp một cái, bỗng từ đâu một hòn gạch từ bụi rậm bay ra trúng đầu tôi máu me tóe loe. Tôi thấy thằng Uy lao ra tay cầm mấy hòn gạch liên tiêp phóng vào đầu tôi nhưng tôi tránh kịp và bỏ chạy kêu khóc gọi bác Đ ơi! cứu cháu với, vì nhà bác Đ cũng ở gần đó và cái ao cũng của nhà bác. Bà nội và thím tôi băng bó cho tôi, ông tôi dẫn tôi đến nhà thằng Uy thì trước sân vẫn còn một đống gạch và con dao rựa đẽo dở quẳng bên cạnh. Bà nội nó cũng biết mưu mô hành đông bất hảo của nó, bà già kể lại với ông tôi là đã quát mắng ngăn chặn nó rồi.

Trong họa có phúc, trong rủi có may. Cũng chính nhờ cái chân hơi tấp tểnh đó mà khi đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, nó bị loại ngay vòng đầu. Thanh niên trai tráng trong làng đều hết lớp này đến lớp khác lên đường tòng quân cả. Tôi có hai ông chú và một thằng em phải bỏ mạng ở nơi chiến trường. Sau này thằng Uy biết tin tôi phải đi lính Trường Sơn. Mẹ tôi kể lại nó cũng về Hà Nội tới thăm nhà tôi và gửi lời xin lỗi tôi. Mọi người phải đi lính cả, riêng thằng Uy thì miễn quân dịch. Nó trở thành của quý, cô gái nào có phúc, may mắn lắm mới lấy được nó. Cho nên tôi cũng nghe theo lời mẹ hăm hở về Hà Nội, các thày cô giáo ở trường cấp 3 Đông Phú dạy các môn toán, lý, hóa, văn cứ tiếc mãi. Tôi phải về Hà Nội cho chắc ăn, nhỡ cái thằng khùng đó nó vác dao chém tôi, hay vác gậy phang vào đầu tôi bất ngờ đánh lén phía sau lưng thì sao? Tôi cần cái đầu để suy tư và học hành. Nhiều lúc tôi nghĩ, tại sao đời mình lắm hoạn nạn thế toàn là những chuyện chết hụt, rồi bị người ta đánh cho cho bị thương vào đầu, mà lần nào cũng gặp may mắn không bị chấn thương sọ não. Nhớ hồi còn bé lúc đó tôi mới lên 5, chắc chắn là lên 5 vì tôi vẫn chưa đi học mà. Có lần đến chơi nhà ông bà trẻ Th, là em trai bà nội tôi. Con trai ông lại chính là thày giáo dạy tôi khi vào học vỡ lòng thì lại có một chú cũng là con trai em thứ ba của bà tôi sang giã gạo nhờ. Kỹ thuật thiết kế giã gạo là một cây gỗ dài chừng 2,50 m. Một đầu gắn với cái chày bổ xuống giữa lòng cối, một đầu để đạp chân, hai bên có hai khúc gỗ song song để đứng và đạp chân. Phía trên có sà vịn tay. Chú thấy tôi mới bảo: Cháu đứng vét chỗ gạo vãi trào lên miệng cối cho chú đi. Tôi ngoan ngoãn nghe lời, vừa giơ tay vét vét mấy cái thì cái đầu cối đập trúng đầu máu chảy ra xối sả, ông trẻ và thày giáo vội lấy nắm thuốc lào bịt lại cho tôi, rồi băng bó lại. Cũng may tôi còn bé chiều cao lại vừa đúng tầm đầu cây gỗ đập xuống, nếu cao nhỉnh lên 1 cm nữa thôi chắc chắn sẽ ngã lăn quay chết tươi ngay lập tức. Thật là hú vía tôi không thấy bị choáng váng chi hết mà chỉ thấy đau, mạch máu giật giật trên đỉnh đầu. Mẹ tôi lúc đó đang làm việc ở ngoài đồng nghe tin hốt hoảng chạy về, tìm ông chú kia. Chú sợ quá bỏ chạy, sau này gặp lai bị mẹ tôi mắng cho một trận: Chú chả ra thế nào cả, to đầu mà dại, cháu nó còn nhỏ thế lại bảo nó vét gạo cho chú. Sau này đi bộ đội về quê chơi kể chuyện Trường Sơn mấy lần bị chết hụt cũng với một ông trẻ thì ông cười bảo: Anh hùng đa hoạn nạn, ngu si hưởng thái bình.

Tôi cũng tiếc cho thằng Quỳnh nó học rất giỏi, từ cấp 1, 2 và 3 luôn luôn là học sinh tiên tiến. Nhưng nó không được thi vào đại học vì ông nội nó là thành phần địa chủ, nó chỉ được vào trung cấp nông nghiệp, nửa chừng lại đi bộ đội và chết ở trong Nam. Chị nó phải vào tận trong đó tìm mãi mới đưa được hài cốt nó ra Bắc.

Về Hà Nội tôi vẫn diện bộ quần áo nâu thắt dải dút mà chú tôi trước là thày giáo dạy vỡ lòng, sau là thợ may cấp tốc may cho tôi, theo đơn đặt hàng của bà tôi. Ngày đầu tiên tôi sang nhà hàng xóm chơi hỏi một thằng cùng lứa tuổi hôm nay ở bãi chiếu bóng Cầu Giấy chiếu phim gì? Nó lại bảo: Tối hôm nay chiếu phim hay lắm, bãi cỏ xanh không một bóng người. Tôi nhìn nó lưỡng lự sao lại có tên bộ phim lạ lùng như vậy? Mẹ nó quát mắng, tôi mới hiểu ra: thì ra mình là một thanh niên nhà quê khờ khạo thật thà, không láu lỉnh trí trá ranh ma như tụi thanh niên thành phố. Tôi đành đi xem ở rạp chiếu bóng thành phố. Mẹ tôi chỉ cho có mấy hào chỉ, không đủ tiền học đòi mua một điếu thuốc lá phì phèo cho oai.

Tôi bắt đầu làm quen với mấy đứa thanh niên hàng xóm vào loại du thủ du thực học mấy miếng võ, móc quai hàm, chảo mã tấn, sàng hoa quyền, các cú đấm, cú đá…
Rồi chuẩn bị tinh thần vào năm học mới. Tôi nạp đơn vào trường phổ thông công nghiệp Đống Đa học vào buổi sáng. Còn buổi chiều là trường cấp 3 Trưng Vương. Công nghiệp gì chỉ có thêm môn dạy vẽ kỹ thuật mà thôi. Tôi thấp thỏm chờ đợi ngày tựu trường.

13.6.2019 Lu Hà










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét