Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

Tôi Cần Phải Đấu Tranh (5)


Truyện dài của Lu Hà phần 5

Vì quan hệ với tôi mà Sahra luôn cãi nhau với bà ngoại và mẹ. Hai bà già cho rằng dính dáng với tôi sẽ không có tương lai. Trước sau tôi sẽ phải về nước, hai bà không tin vào khả năng trí tuệ của tôi, tài quyền biến ứng phó mau lẹ mọi tình huống sảy ra để tìm ra những phương án tối ưu. Bà mẹ nghe lời bà ngoaị cứ mắng chửi Sahra sa sả:
- Thiếu gì con trai Đức yêu thích mày mà mày cứ lăn xả vào với thằng Việt Nam ấy, nó lại bị bệnh lao chắc cũng chẳng sống lâu được đâu? Bà ngoại thì bảo cái thằng ấy đen như quỷ sứ. Sahra cười bảo:

-Thì bà da cũng đen, tóc cũng đen như nó có khác gì đâu?
Bà ngoại im lặng không nói gì. Sau này tôi mới biết bà là giống người Trung cận đông như các nước Do Thái và Ả Rập,chứ bà không phải là người Đức chính gốc.

 Hàng xóm láng riềng cũng đinh tai  nhức óc về những tiếng cãi cọ, ầm ầm suốt ngày lời qua tiếng lại giữa con gái với mẹ, cháu gái với bà, lan truyền cả tới tai hội đồng thành phố, tới phòng thanh thiếu niên, tới ông thị trưởng… Nên họ giải quyết cho Sahra ở tách riêng ra. Sahra được gửi đến ở một khu tập thể trên một quả đồi, giống như ký túc xá dành học sinh học nghề ở Moritzburg , một vùng ngoại ô thành phố Dreden. Hàng ngày Sahra đi tàu điện vào thành phố để học nghề may cắt giày thể thao.

Tôi là một xạ thủ tồi, qua mấy lần đều bắn trượt, nên quyết tâm sửa lại thước ngắm và may mắn đạn trúng hồng tâm, tôi đạt điểm 10 và Sahra có bầu với tôi. Chuyện Sahra có bầu khuấy động cả khu tập thể các bà phụ trách khuyên Sahra đi nạo thai, có cô nhân viên ở đó sốt sắng giơi thiệu với em trai mình. Manfred sẽ thay tôi làm bố đứa trẻ. Thứ nhất cự ly thứ nhì cường độ, anh chàng lân la đến tán tỉnh Sahra, rủ Sahra đi dạo phố. Tôi biết chuyện nên tuần nào tôi cũng viết hai lá thư liên tiếp, có tuần 3 lá. Lá thư nào cũng văn chương lai láng, nồng nàn yêu thương, dàn dụa nước mắt. Cuối tuần tôi lại đáp tàu từ Schwerin về Dreden. Khi Sahra có mang tới tháng thứ 5 thì cô ta gửi một lá thư tới bà Fachklam. Bà Fachklam tá hỏa lên báo cho thằng Thắng đội trưởng và thằng Thắng lại báo cáo cho đại sứ quán. Sứ quán cũng bấn loạn lên chuẩn bị cho tôi về nước trước thời hạn. Tôi vội vàng về Pirna bàn với Sahra cứ yên tâm đừng lo ngại chi hết, mọi sự sẽ đâu vào đó. Tôi đã không còn quan hệ với vợ ở Việt Nam nữa, con gái thì ông bà nội nuôi rồi. Tôi đi tới tất cả các cơ quan nhà nước từ ông thị trưởng thành phố, phòng thanh niên gọi là Jugendamt. Ông thị trưởng thành phố có vẻ ủng hộ tôi. Ông hỏi tôi còn có khó khăn từ đâu? Từ bà ngoại hay từ mẹ? Ông ta che miệng nói là họ hay cãi cọ nhau như thể như thế…. Phòng giúp đỡ thanh niên lại chịu sự chi phối của phòng nội vụ chính là cơ quan mật vụ Stasi (Staatsicherheitgeheimdienst) nổi tiếng dữ dằn với những mưu mô thủ đoạn kinh hoàng để cầm cố trấn áp công dân. Bà ngoại của Sahra lại bị liệt vào danh sách kẻ thù quốc gia (Staatsfein) vì bà có nguồn gốc từ thành phần địa chủ tư sản mại bản, thuộc giai cấp bóc lột trước đây là kẻ thù của giai cấp công nhân và nông dân lao động. Nên Sahra bị phân biệt đối xử thậm tệ, nay em lại có thai với một người nước ngoài, em không được sinh con ngay tại bệnh viện thị trấn Pirna mà phải bị chuyển đi cấp tốc tới Aue thị trấn Schlema thuộc tỉnh Karl Mark Stadt. Bệnh viện sản phụ này chỉ để cho những thành phần bị coi là bất hảo luôn có tư tưởng chống đối nhà nước xã hội chủ nghĩa, hay những người bị coi là đầu trộm đuôi cướp cặn bã của xã hội. Sahra không phải là đầu trộm đuôi cướp, cặn bã xã hội, nhưng em lại bi coi là dính vào hai trọng tội: Một là con cái địa chủ tư sản bóc lột ngày xưa. Hai là quan hệ yêu đương bất chính với một người nước ngoài có nguồn gốc từ Việt Nam mà chính ngã trưởng phòng nội vụ gọi tôi chỉ là thằng Vidschi mọi rợ, một đất nước chỉ có tre nứa thôi.

Có sẵn giấy mực và tem thư chỉ có 50 pfennig (0,50 Ostmark), văn chương lại dư thừa. Tôi viết thư liên tiếp lên đại sứ quán kể lể về mối bang giao hữu nghị đằm thắm giữa hai nhà nước xã hội chủ nghĩa anh em từ thời ông Wilhelm Piek với chủ tịch Hồ Chí Minh và ngày nay là ông Erich Honecker và ông Lê Duẩn.
“Quan san muôn dặm sơn hà
Năm châu bốn biển đều là anh em.”
Bà Selma và bà Marthe sống rất cô đơn, họ mạc chẳng có ai. Nếu tôi phải về nước trước thời hạn, Sahra uất quá có thể tự tử và hai bà mẹ sẽ chết theo. Bây giờ cháu bé mới sinh ra cần để một thời gian cho cứng cáp đã. Mong đại sứ quán sẽ đối xử nhân đạo với công dân Đức. Tôi dấu nhẹm chuyện Sahra bị đưa đi Aue, con tôi có nguy cơ bị bắt cóc đi trại trẻ mồ côi.

19.8.2019 Lu Hà



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét