Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

BÌNH THƠ THÍCH HẢI TRÍ



Foto




Thày Hải Trí còn quá trẻ mà đã có những suy tư của bậc cao nhân tri túc. Lu Hà tôi vẫn mơ màng về 4 câu tứ tuyệt Thày đọc bên bờ suối, đúng ra là một bài kệ. Không biết Thày làm ra hay của ai đó mà cao siêu vậy?

„Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá
Lệ lòng mong cạn chốn am không
Cửa thiền một đóng duyên trần dứt
Quên hết người quen chốn bụi hồng.“

„Sông mười năm đã trở thành dâu bể
Thì cuộc đời ai dám hẹn trăm năm. „

Phù thế tức là kiếp phù du trần thế tự tạo ra nhiều duyên nghiệp, Thày cũng đã từng tơ vương duyên nợ trần căn. Thôi cũng đành bỏ lại để vào chốn am không quyết cắt bỏ tham sân si, tứ đại giai không tình thù luyến ái, xả bỏ hết. Cửa thiền khoá lại lệ lòng mong tuôn cạn để tìm lại tâm thanh tịnh thảnh thơi trong câu kệ lời kinh.


Quên hết người quen chốn bụi hồng trần, cõi đời ô trược. Một bài thơ đọc lên mà buồn man mát nhưng chí đã quyết tu theo chính đạo dứt bỏ sinh tử luân hồi phải có chí lớn lắm phải có duyên tu hành từ nhiều kiếp, chứ người bình thường trí tuệ không thông sáng, vững vàng vẫn bị cái thân phù thế bèo bọt níu kéo không chừng dở vụng đường tu, bao nhiêu công lao tu trì tinh tấn đều bỏ phí cả, đổ hết xuống sông xuống biển. Còn hai câu thơ 8 chữ là sự giác ngộ về vũ trụ quan của Thày.

„Sông mười năm đã trở thành dâu bể
Thì cuộc đời ai dám hẹn trăm năm.“ Lu Hà không có ý là một nhà bình thơ, đại để chỉ xin phép vài câu muốn được bày tỏ đàm đạo với Thày Hải Trí.

Rất mong được Thày chỉ giáo cho. Không biết bây giờ Thày được gọi là phẩm hàm chức sắc gì trong nhà Phật nhỉ? Tì Kheo, Đại Đức, hay Thượng Toạ? Thật ra Lu Hà đã lớn tuổi rồi, mà chưa hề đi chùa lễ Phật bao giờ, quy y tam bảo thì chưa, vả lại được rửa tội trong nhà thờ Công Giáo. Nên đối với Thày là người mang giòng họ Thích bên nhà Phật, lại còn quá trẻ, nên chỉ muốn được cư xử như là bạn thơ ngoài đời. Đó là lý do Lu Hà tôi không muốn gọi một chàng trai trẻ là Thày, xưng con như đối với Cha Xứ ở trong nhà thờ. Tuy thế nhưng lại rất thích nghiên cứu tìm hiểu về giáo lý nhà Phật, muốn được học và đàm đạo với Thày.

Sông mười năm đã trở thành dâu bể - Thì cuộc đời ai dám hẹn trăm năm?

Theo ý tại hạ là Thày muốn nói về tận cùng và khởi điểm. Theo quan điểm nhà Phật không có thời gian, không có điểm đầu và điểm cuối. Chỉ có không gian hư ảo, hư vô sắc sắc, không không. Quan niệm về quá khứ vị lai là tâm khởi của người đời mắt thịt, của kẻ phàm phu mà thôi. Như ngày nay đầu thế kỷ 20, khi Abert Einstein đã tìm ra mối tương quan giữa năng lượng và vận tốc theo công thức: E = M C² . Tại hạ không phải là nhà vật lý hay toán học gì cả, chỉ hiểu đại khái thuyết lượng tử hay thuyết tương đối gì đó người ta nếu đạt được tốc độ cuả ánh sáng thì một ngày trên conTàu vũ trụ bằng dưới đất là 1 năm.

Vũ trụ của chúng ta có nhiều tầng không gian khác nhau, khoa học đã xác nhận về không gian ba chiều. Mỗi tầng không gian là một cảnh giới và sẽ có những chúng sinh tâm thế khác nhau. Trong Phật Giáo gọi là người trời và ta gọi là người hành tinh khác, dù là người trời Phật Giáo cũng có nói họ vẫn chịu khổ đau và trải qua nhiều kiếp luôn hồi lục đạo.

Theo con nhà Phật thì ánh hào quang, tốc độ ánh sáng của Phật chỉ một niệm thôi có thể phân thân về thế giới ADiĐà.

Cái chuyện ngày xửa ngày xưa, anh chàng nho sĩ Từ Thức vào chốn động thiên thai sống với tiên chỉ 1 năm thôi, nhưng khi về quê nhà vẫn con sông xưa, vẫn gốc đa xưa, nhưng cảnh vật xung quanh đã thay đổi là 100 năm rồi.

Từ Thức có hỏi một chàng trai trẻ trong làng có nhớ cách đây có một ông cụ tên là Từ Thức gì đó, bỗng nhiên vào núi hái thuốc rồi biến mất, chỉ nghe người ông cố nội kể lại mà thôi…

Nay Thày Hải Trí lại: Sông mười năm đã trở thành dâu bể, thì cuộc đời ai dám hẹn trăm năm. Vạn vật đều vô thường không có thật chỉ là do vọng tưởng mà ra?

Một nhà triết học phương Tây cũng từng nói không ai có thể tắm lại ba lần trong một con sông. Nghĩa là cái khối nước vưà tắm xong sẽ trôi tuột ra biển, và một khối lượng nước mới lại đổ dồn về. Nếu tính vài sátna thôi thì con sông đó đã thay đổi như thế nào rồi? Sông 10 năm đúng là có nhiều thay đổi như chuyện bãi biển biến thành nương dâu. Thì một đời người ai dám hẹn 100 năm để kết tóc se duyên? Tất cả chỉ là thời gian hữu hạn sinh trưởng hoại diệt, cuộc đời chỉ là quán trọ trần gian tạm bợ. Cho nên nhà Phật đã đề ra thuyết tứ diệu đế để phân tích nguyên nhân của cái khổ và tìm biện pháp giải thoát chính là con đường tu tập để về cõi niết bàn. Thày muốn đi tu để vãng sanh vĩnh cửu vào thế giới A Di Đà?

Đó là cái ý cuả bài thơ Thày đọc khi ngồi thiền bên bờ suối?

Nam Mô A Di Đà Phật!

26.2.2013 Lu Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét